Thể thao 7M
Bạn đang ở:

World Cup 2010 Nam Phi

Những khoảnh khắc ấn tượng nhất World Cup 2010: 32 anh tài, 32 hơi thở

World Cup 2010 đã kết thúc và như đúng ý nghĩa của giải đấu lần đầu tiên tổ chức tại lục địa đen, nước chủ nhà Nam Phi đã nỗ lực tuyệt vời để đem đến thành công cho giải đấu, sau 1 tháng ạnh tranh khốc liệt trong và ngoài sân cỏ đã có rất nhiều sự kiện đặc biệt trong vòng chung kết bóng đá thế giới năm 2010.

Vô địch: Tây Ban Nha

ĐKVĐ Châu Âu đã lần đầu tiên vô địch World Cup dù để thua trận mở màn (0-1 trước Thụy Sỹ). Chiến thắng 4 trận trong các vòng đấu trực tiếp đều cùng với tỷ số 1-0 đã đưa La Roja nâng cao chiếc cúp vô địch thế giới một cách rất xứng đáng. Đó là sự tưởng thưởng cho lối chơi tấn công đẹp mắt của những đấu sĩ xứ sở bò tót.

Á quân: Hà Lan

Thật tiếc cho “cơn lốc da cam” khi đã thắng cả 6 trận trước khi bước vào trận CK với Tây Ban Nha, nhưng lần thứ 3 trong lịch sử World Cup, Oranje gục ngã trước ngưỡng cửa thiên đường. Dù vậy người Hà Lan có thể hoàn toàn tự hào với thành tích đạt được, đặc biệt trên con đường tới trận CK, họ đã đánh bại đội bóng từng 5 lần vô địch thế giới Brazil ở tứ kết.

Hạng 3: Đức

“Cỗ xe tăng” trẻ trung nhất trong 76 năm qua của bóng đá Đức đã làm nên những điều kỳ diệu khi đánh bại ĐT Anh và ĐT Argentina với những tỷ số đậm đà đến khó tin. Dừng bước trước nhà vô địch sau đó, Tây Ban Nha ở bán kết nhưng các cầu thủ Đức có thể ngẩng cao đầu với vị trí thứ 3 World Cup. Tương lai của bóng đá Đức sẽ còn tươi sáng trong tương lai.

Hạng 4: Uruguay

La Celeste là ngạc nhiên lớn nhất tại World Cup 2010 khi đi tới tận bán kết sau 40 năm chờ đợi. Với cầu thủ xuất sắc nhất giải Diego Forlan làm tiên phong, Uruguay đã tạo ra những điều bất ngờ tại Nam Phi những ngày qua.

Tứ kết:

Argentina

Maradona đã dẫn dắt Argentina thắng 4 trận tại World Cup 2010. Dẫu ở tứ kết thảm bại trước ĐT Đức tới 0-4 và ngôi sao sáng nhất Lionel Messi chưa thể tỏa sáng nhưng dù sao kết quả này có thể sẽ là tiền đề để Albiceleste vững bước trong thời gian tới.

Brazil

Thất bại trước Hà Lan ở tứ kết là đòn đau giáng vào tham vọng của đội tuyển từng 5 lần vô địch thế giới. Hậu quả là Dunga đã bị sa thải sau khi không thành công với việc từ bỏ lối chơi truyền thống. Giờ NHM Brazil sẽ phải chờ tới World Cup 2014 được tổ chức trên sân nhà 4 năm tới để hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn.

Ghana

“Những ngôi sao đen” đã có thể trở thành đội bóng Châu Phi đầu tiên lọt vào bán kết nhưng số phận đã không mỉm cười với họ sau những loạt đấu súng 11m định mệnh trước Uruguay. Nhưng với dàn cầu thủ có độ tuổi trung bình trẻ nhất giải, Ghana sẽ có những bước tiến lớn trong tương lai.

Paraguay

Đoàn quân của HLV Gerardo Martino thực sự rất khó bị đánh bại. Họ đã khiến cho cựu vô địch Italia trầy da tróc vẩy ở vòng bảng và nhà ĐKVĐ Tây Ban Nha cũng phải vất vả lắm mới vượt qua Paraguay ở tứ kết.

Vòng 16 đội

Chile

Bị loại sau trận thua 0-3 trước Brazil nhưng HLV Marcelo Bielsa cùng các học trò đã làm nên lịch sử cho bóng đá Chile khi chấm dứt cơn khát thắng trận sau 48 năm (trận thắng Thụy Sỹ ở vòng bảng).

Anh

Được kỳ vọng lớn sẽ lên ngôi tại World Cup 2010 nhưng Tam sư đã phải ra về sớm sau trận thua kinh hoàng 1-4 trước Đức. Nhưng chắc chắn người Anh sẽ còn ấm ức nhiều năm sau này khi bàn thắng rõ ràng của Lampard không được công nhận trong trận đấu đó đã vô tình cướp đi cơ hội lật ngược tình thế của Tam sư.

Nhật Bản

NHM Châu Á có thể tự hào khi nhìn những giây phút quyết chiến của các võ sĩ Samurai. Thất bại trước Paraguay chỉ sau loạt 11m, Nhật Bản đã để lại ấn tượng đậm nét tại World Cup 2010 sau những chiến thắng vang dội trước Cameroon và Đan Mạch ở vòng bảng.

Hàn Quốc

Đội bóng xứ kim chi cùng là đại diện ưu tú của bóng đá Châu Á có mặt tại vòng 16 đội. Thất bại trước Uruguay không phải là điều quá hổ thẹn khi Hàn Quốc đã chiến đấu hết mình cho tới những phút cuối cùng.

Mexico

5 World Cup liên tiếp, El Tri chỉ dừng bước ở vòng 2, nhưng họ có lý do để phàn nàn khi để thua Argentina bắt nguồn từ tình huống bắt việt vị không chính xác của trọng tài người Italia, Roberto Rosetti.

Bồ Đào Nha

Sự thất vọng lớn cho đội hình sở hữu cầu thủ đắt giá nhất thế giới Cristiano Ronaldo khi không thể hiện được bản sắc của đội bóng được mệnh danh là “Brazil Châu Âu”. Thất bại trước Tây Ban Nha là kết cục tất yếu cho màn trình diễn của Bồ Đào Nha tại World Cup 2010.

Slovakia

Trong lần đầu tiên dự World Cup, Slovakia đã vượt qua vòng đấu bảng và ấn tượng hơn nữa là họ đánh bại nhà vô địch World Cup 2006, Italia trong trận đấu quyết định với tỷ số 3-2.

Mỹ

ĐT Mỹ không thể đi xa cũng là một điều đáng tiếc khi họ đã thể hiện lối chơi khoa học và hợp lý trong nhiều trận đấu, nhưng lại thua trận trước sức mạnh và quyết tâm của những cầu thủ trẻ Ghana.

Vòng bảng

Algeria

Les Fennecs thua sát nút Slovenia và Mỹ nhưng đã khiến người Anh phải toát mồ hôi trong trận hòa 0-0. Thật tiếc Algeria không thể có dù chỉ là 1 bàn trước khi về nước.

Úc

Cầm hòa Ghana trong thế thiếu người và đánh bại Serbia bằng tất cả sức lực nhưng trận thua đậm 0-4 trong trận mở màn gặp Đức khiến đội tuyển xứ Kangaroo ngậm ngùi bị loại sớm.

Cameroon

“Những chú sư tử” bất khuất không còn bóng dáng của một đội bóng Châu Phi lần đầu tiên lọt vào tứ kết World Cup như năm 1990. Thay vào đó là cả 3 trận thua trước Nhật Bản, Đan Mạch và Hà Lan.

Bờ Biển Ngà

“Những chú voi” vẫn xứng đáng là đội bóng xuất sắc của Châu Phi nhưng khi rơi vào bảng đấu tử thần có Brazil và Bồ Đào Nha, Bờ Biển Ngà đã chấp nhận bị loại do thua về hệ số bàn thắng so với Bồ Đào Nha.

Đan Mạch

“Những chú lính chì” vẫn dũng cảm đương đầu với lửa đạn, nhưng câu chuyện vô địch Euro 1992 vẫn là chuyện cổ tích thời hiện đại. Còn lúc này Đan Mạch chỉ là đối thủ hạng trung trên thế giới, thất bại trước Nhật Bản với tỷ số 1-3 đã nói lên tất cả.

Pháp

Á quân 4 năm trước tại Đức đã thể hiện bộ mặt bạc nhược tại World Cup 2010. Lối chơi vô hồn cùng sự rạn nứt nội bộ đã giết chết hi vọng của Les Bleus. Tủi hổ trở về nhà với 1 điểm và 1 bàn thắng, người Pháp sẽ phải làm lại từ con số 0 để lấy lại hình ảnh của chính mình.

Hy Lạp

Câu chuyện thần thoại tại Euro 2004 chỉ là dĩ vãng, Hy Lạp đã trở lại đúng bản chất của đội bóng hạng 2 của Châu Âu khi sớm xách va li về nước sau vòng bảng. Kỷ nguyên của “Thánh” Otto Rehhagel vì thế cũng chấm dứt từ đây.

Honduras

Không có gì bất ngờ khi đại diện của Trung Mỹ và Caribe không qua nổi vòng bảng nhưng dù sao họ cũng đã vinh dự có mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh và trực tiếp khiến giấc mơ của ĐT Thụy Sỹ (đội duy nhất đánh bại nhà vô địch Tây Ban Nha) phải dang dở.

Italia

Italia mang danh ĐKVĐ World Cup tới với Nam Phi nhưng lại là đội bóng gây thất vọng nhất khi đứng cuối bảng F được đánh giá là rất dễ thở. Rời Nam Phi với cái đầu cúi gằm là hình ảnh cho màu thiên thanh đen tối của Azzurri.

CHDCND Triều Tiên

Là đội bóng có trận thua đậm nhất (0-7 trước Bồ Đào Nha) nhưng đội bóng tới từ Châu Á cũng có kỷ niệm đẹp khi khiến Brazil hùng mạnh phải trải qua những phút khó khăn nghẹt thở.

New Zealand

Thật khó tin khi New Zealand là đội duy nhất không thua trận nào tại World Cup 2010. Dù không đi tiếp với 3 trận toàn hòa tại vòng bảng nhưng cả đất nước New Zealand có thể ăn mừng khi họ đã còn đứng trên cả đội bóng tên tuổi như Italia.

Nigeria

Những “chú đại bàng xanh” đã không hoàn thành mục tiêu qua vòng bảng dù đã nỗ lực hết mình trong những trận đấu với Hy Lạp và Hàn Quốc. Nhưng đó cũng là bài học để Nigeria có thể vực dậy đội ngũ rệu rã không còn cảm giác chiến thắng.

Serbia

Serbia đã có những phút đáng nhớ khi đánh bại ĐT Đức nhưng như thế là chưa đủ khi để thua cả 2 trận trước Ghana và ĐT Úc.

Slovenia

Slovenia đáng ra có thể làm được nhiều hơn là sớm mua vé về nước nếu như không để ĐT Mỹ lật ngược thế cờ san bằng tỷ số 2-2. Nhưng đó cũng là kết quả hợp lý so với thực lực của đội bóng thuộc Đông Âu.

Nam Phi

Đáng buồn khi Nam Phi là đội chủ nhà đầu tiên bị loại sau vòng bảng nhưng Bafana cũng để lại những cố gắng đáng ghi nhận như trận thắng ĐT Pháp. Đặc biệt với sự thành công trong công tác tổ chức World Cup 2010, đó cũng là chiến thắng của ĐT Nam Phi.

Thụy Sỹ

Chiến thắng mở màn trước Tây Ban Nha tưởng như mở ra một giải đấu đáng nhớ cho Thụy Sỹ nhưng hàng công yếu kém đã không giúp họ đi tiếp dù chỉ cần thắng nhược tiểu Honduras trong trận cuối. Niềm an ủi duy nhất là đội bóng xứ sở đồng hồ đã phá vỡ kỷ lục giữ sạch lưới tại các kỳ World Cup của Italia với 551 phút không thủng lưới (tính từ World Cup 2006).

  • BXH
  • Vua phá lưới
    • A
    • B
    • C
    • D
    • E
    • F
    • G
    • H
  • TT Tên cầu thủ Đội bóng Số bàn(11 mét)
Thành phố và SVĐ
Top 3 đội các kỳ World Cup
  • Năm
  • Vô địch
  • Giải nhì
  • Giải ba